Vào mùa xuân năm 2012, Đại học Huế kỷ niệm 55 năm thành lập, và mùa hè 2012, ĐHDL Phú Xuân vừa tròn 9 năm thành lập. Ra đời sau ĐH Huế 46 năm, trên mảnh đất cố đô Huế, cho nên học tập được nhiều kinh nghiệm về quản lý và đào tạo ở các trường đại học từ ĐH Huế.
Trải qua 9 năm xây dựng và phát triển, hiện nay ĐHDL Phú Xuân có 12 ngành đào tạo hệ đại học và 7 ngành đào tạo hệ cao đẳng chính quy, có 4 ngành đào tạo bằng 2 và liên thông từ cao đẳng lên đại học hệ chính quy. Trường có 157 cán bộ cơ hữu, trong đó có 120 giảng viên. Quy mô đào tạo của trường có 4600 sinh viên. Đã có 5 khóa tốt nghiệp với 4152 sinh viên ra trường, hơn 80% sinh viên có việc làm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – du lịch v.v… góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, miền Trung và cả nước.
Đạt được kết quả bước đầu như trên là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhà, sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ giảng viên và sinh viên của nhà trường, và sự giúp đỡ thiết thực có hiệu quả của ĐH Huế, các trường thành viên và đông đảo thầy cô giáo các trường thành viên. Ngoài ra, còn nhận được sự giúp đỡ của một số giảng viên ở ĐH Đà Nẵng và Hà Nội v.v…
Bài viết này xin được phép nêu ra quá trình giúp đỡ của ĐH Huế với ĐHDL Phú Xuân thời gian đầu mới thành lập cho đến nay.
ĐHDL Phú Xuân được thành lập theo quyết định số 140/2003/QĐ-TTg ngày 11/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tiếp theo là hoàn chỉnh bộ máy nhân sự lãnh đạo của trường, ngày 07/8/2003, Bộ GD&ĐT có các quyết định công nhận Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng. Ngày 15/8/2003, trường ĐHDL Phú Xuân làm tờ trình báo cáo với Bộ, nêu rõ các điều kiện đảm bảo, xin phép Bộ được mở ngành và hoạt động đào tạo đại học từ năm học 2003 – 2004, trong tờ trình này có nói đến sự giúp đỡ của ĐH Huế về đội ngũ cán bộ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Để có cơ sở báo cáo với Bộ, Hiệu trưởng trường ĐHDL Phú Xuân có công văn số 12 ngày 8/9/2003 gửi Giám đốc ĐH Huế nói rõ: “Do trường chúng tôi mới thành lập, nên có những khó khăn về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo … Vì vậy, trường ĐHDL Phú Xuân kính nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của ĐH Huế và các trường thành viên về đội ngũ giảng viên, về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện v.v… để phục vụ đào tạo trong những năm đầu” … “Chúng tôi xin đảm bảo trong quá trình tổ chức đào tạo không để điều gì ảnh hưởng kế hoạch đào tạo của ĐH Huế và các trường”.
Chỉ một ngày sau, Giám đóc ĐH Huế có công văn số 965 ngày 09/9/2003, trả lời sẵn sàng giúp đỡ ĐHDL Phú Xuân: “Đại học Huế đồng ý với đề nghị của trường ĐHDL Phú Xuân. Trong phạm vi và điều kiện cho phép, Đại học Huế sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cả về đội ngũ và cơ sở vật chất để trường ĐHDL Phú Xuân nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động có hiệu quả”.
Công văn trên được gửi cho Bộ GD&ĐT cùng với tờ trình của trường xin mở ngành và hoạt động đào tạo. Đó là một trong những căn cứ quan trọng để Bộ có quyết định số 5148 ngày 26/9/2003, cho phép trường ĐHDL Phú Xuân được hoạt động đào tạo và mở 7 ngành đào tạo trình độ đại học từ năm học 2003 – 2004. Công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo của trường tuy có chậm hơn của học kỳ I năm 2003 – 2004, nhưng sự khởi đầu rất suôn sẻ và tốt đẹp, trong đó có sự giúp đỡ của lãnh đạo ĐH Huế, của lãnh đạo tỉnh và Bộ GD&ĐT.
Thời kỳ đầu, trường ĐHDL Phú Xuân đã làm việc trao đổi với lãnh đạo ĐH Huế, một số trường thành viên về sự giúp đỡ và học hỏi kinh nghiệm tổ chức quản lý giáo dục đại học v.v…
Sự giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả trong suốt 9 năm qua của hơn 345 thầy cô giáo thỉnh giảng có trình độ, có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo từ các trường thành viên ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Trong đó có rất nhiều thầy cô giáo làm công tác quản lý ở ĐH Huế, lãnh đạo các trường thành viên như Hiệu trưởng, Hiệu phó, Trưởng phó Khoa, Phòng, Ban v.v… đã sắp xếp thời gian tham gia giảng dạy giúp đỡ trường ĐHDL Phú Xuân những năm qua và hiện nay. Nhiều giáo viên tham gia biên soạn xây dựng chương trình đào tạo các ngành, hướng dẫn nhiều sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, bài tập tốt nghiệp, tổ chức chấm khóa luận và thi tốt nghiệp cho sinh viên các khóa v.v…
Nhờ vậy, đã góp phần rất quan trọng về nâng cao chất lượng đào tạo của trường ĐHDL Phú Xuân. Sinh viên phấn khởi, an tâm học tập, xã hội thừa nhận, uy tín thương hiệu của trường ĐHDL Phú Xuân bước đầu được khẳng định củng cố thêm.
Trong việc bồi dưỡng cán bộ, trường ĐHDL Phú Xuân cũng được sự giúp đỡ của nhiều thầy cô giáo có trình độ của ĐH Huế và các trường thành viên. Nhiều cán bộ trẻ của trường đã và đang được đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở ĐH Huế, các trường thành viên.
Có 15 cán bộ nguyên trước đây công tác ở ĐH Huế, các trường thành viên, nay đang làm việc tại trường ĐHDL Phú Xuân từ cấp trường đến các khoa, phòng, bộ môn, đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển nhà trường trong những năm qua và hiện nay.
Từ năm 2005 đến 2011, có 5 đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục – Đào tạo và một đoàn kiểm tra của Thường vụ Quốc hội đến kiểm tra và thăm trường ĐHDL Phú Xuân, ở mức độ khác nhau, đều thừa nhận có yếu tố thuận lợi để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là nhờ sự tham gia giúp đỡ giảng dạy của đông đảo giảng viên có trình độ của ĐH Huế.
Hiện nay và những năm tới, trường ĐHDL Phú Xuân còn tiếp tục nhờ sự giúp đỡ của ĐH Huế, của thầy cô giáo trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cơ hữu của trường, góp phần trong chiến lược xây dựng phát triển của trường ĐHDL Phú Xuân giai đoạn 2010 – 2015 và những năm tiếp theo.
Chúng tôi nghĩ rằng, trong 55 năm xây dựng và phát triển của ĐH Huế, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực đào tạo, trong hoạt động đối nội và đối ngoại, hỗ trợ giúp đỡ nhiều trường ĐH trong khu vực vào những thời điểm khác nhau. ĐHDL Phú Xuân thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học của Nhà nước, rất may mắn và thuận lợi, nhận được sự giúp đỡ thiết thực có hiệu quả của ĐH Huế và các trường thành viên.